Một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.
Nguồn: Internet.
Theo đó, Thông tư quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Thông tư còn quy định nguyên tắc thể hiện một số nội dung bắt buộc bằng phương thức điện tử, bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được lựa chọn ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử hoặc lựa chọn ghi trên nhãn hàng hóa gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Nhóm hàng hóa và nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại Phụ lục “Một số nội dung theo tính chất của hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử” ban hành kèm theo Thông tư này.
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử quy định tại Thông tư này bảo đảm các yêu cầu sau: Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: Mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác; Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương thức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ; Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.
Một số nội dung theo tính chất của hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử như: Sản phẩm dệt, may, da, giầy: Thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Sản phẩm nhựa, cao su: Thành phần, thông số kỹ thuật. Giấy, bìa, cacton: Tháng sản xuất, thông số kỹ thuật. Đồ dùng giảng dạy, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm; ấn phẩm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, tôn giáo; nhạc cụ; đá quý: Thông số kỹ thuật. Dụng cụ thể dục thể thao, máy tập thể dục thể thao: Năm sản xuất; thành phần; thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng. Đồ gỗ; sản phẩm sành, sứ, thủy tinh; hàng thủ công mỹ nghệ; đồ gia dụng, thiết bị gia dụng (không dùng điện): Thành phần; thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Bạc: Thành phần định lượng. Vàng trang sức, mỹ nghệ: Hàm lượng; khối lượng; khối lượng vật gắn (nếu có); mã ký hiệu sản phẩm; Thiết bị bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, điện, điện tử, sản phẩm công nghệ được tân trang, làm mới: Năm sản xuất, thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Dụng cụ đánh bắt thủy sản: Thành phần; thông số kỹ thuật; số điện thoại (nếu có)...
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa ghi nhãn bằng phương thức điện tử bảo đảm có đủ công cụ, phương tiện để nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử luôn được truy cập, đăng nhập ngay, cung cấp đầy đủ nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua hàng hóa; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa có nội dung ghi nhãn bằng phương thức điện tử phải cung cấp nội dung nhãn thể hiện bằng phương thức điện tử cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.
Xem chi tiết: Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN
Huỳnh Phúc Hậu – Chi cục TCĐLCL Bạc Liêu